Kì thi ‘Trofford’ gọi tên (P2)

Spread the love

Bước vào năm cấp 2 đầy hoa mộng, tôi vẫn mang trong mình một tâm thế không thể lay chuyển, đó là tiếng Việt mình phải thật tốt thì mới xây dựng đất nước được, còn tiếng Anh có thể để sau. Tất nhiên là nếu giỏi cả hai là đẹp nhất, nhưng cuộc đời có ngỡ là mơ đâu. Học mãi không vào, nhìn đống ngữ pháp mà chỉ khiến chứng mất ngủ kinh niên ngắn đi một nhịp. Học từ mới chữ được chữ mất, nên tôi thầm nhủ tốt nhất là không học.

Cấp II tôi học ở một trường công tại Hà Nội, lớp có 44 đứa thì đứa nào cũng có cá tính riêng. Bước vào môi trường mới, tôi cố gắng tìm xem ai tính cách giống mình để kết thân và may quá, có một thằng mà tôi nói chuyện thấy rất hợp. Phải tội thằng này giỏi tiếng Anh nhất lớp, nên tôi có thể nói đủ thứ chuyện với nó trên đời, trừ tiếng Anh. Mà thực ra nói là mối quan hệ kì lạ cũng đúng, vì mặc dù tôi không phải ưa hết tính cách của nó, nhưng nó lại là thằng khiến con đường học hành của tôi thay đổi mãi mãi về sau.

Cô giáo chủ nhiệm của tôi tên Hà, dáng dong dỏng cao và cô dạy môn Văn. Chắc do tính chất chuyên môn nên cô rất hay kể chuyện về cuộc sống, học tập. Tôi nhớ nhất và ấn tượng nhất là lần cô kể câu chuyện một anh học sinh cũ của cô đã tham gia một kì thi tiếng Anh sang chảnh nào đó tên là “Trofford” khiến anh được cơ hội du học Mỹ.

Với quyết tâm có được chứng chỉ mang tên “Trofford” lạ lẫm nào đó và ước mơ du học cho bằng các cao nhân, tôi về nhà, lật nửa quyển vở và nhanh tay xé một trang đúp. Tôi ghi rất to dòng chữ “Phải được 700 điểm Trofford để đi du học nước ngoài”. Đến lúc tôi viết dòng chữ đấy, tôi vẫn chưa hình dung ra nổi chứng chỉ “Trofford” là cái gì, nó ăn với mắm tôm hay nước mắm. Các bạn có đoán được nó là kì thi nào không?

Sự nghiệp học hành của tôi vẫn lẹt đẹt khi mãi mới lết qua được lớp 6 và lớp 7. Lúc đấy, lớp tôi chia làm 2 nhóm để học thêm: một nhóm khá giỏi và một nhóm trung bình. Tôi được ưu ái ngồi nhóm trung bình với lũ bạn chỉ giỏi chơi chứ học thì làng nhàng. Nhưng kỉ niệm với nhóm trung bình là thứ đi theo tôi suốt cả cuộc đời. Nhiều khi, niềm vui với bạn bè nó còn vô giá hơn nhiều việc giải được một bài toán khó. Vì tôi có bao giờ giải được đâu.

Hè lớp 7 lên lớp 8, tôi đi nhà sách để chuẩn bị cho năm học mới. Không hiểu nghĩ ngợi thế nào, tôi lại mua một quyển sách tiếng Anh lớp 8 về trước và hạ quyết tâm là sẽ học hết từ mới trong đấy. Cuộc đời có nhiều bước ngoặt và cú xoay chuyển này khiến bố mẹ tôi cũng chẳng nhận ra tôi chứ không phải là tôi.

Ông anh trai hơn tôi nhiều tuổi, cũng có thâm niên học tiếng Anh, nhiều lần cảm thấy hồ nghi thằng em. “Hay là nó lại bày trò gì nhỉ?”, chắc hẳn ông anh tôi cũng không ít lần nghĩ như vậy. Tôi thì không nghĩ gì, vì tôi thấy chơi mãi cũng chán, nên lôi sách về học từ mới cũng ổn mà. Và đúng là nó ổn thật.

Tôi học từ mới khá nhanh và theo tôi nhớ không nhầm là khoảng 4 tuần thì tôi học hết chỗ từ mới trong quyển sách lớp 8. Tôi thậm chí còn cẩn thận phiên âm cách đọc tiếng Việt cho từng từ tiếng Anh, vì lúc đấy có biết IPA là cái gì đâu. Ví dụ từ “interesting” tôi sẽ viết nho nhỏ bên dưới là “in-tơ-rét-tinh”. Ấy vậy mà vẫn học hết được số từ của sách tiếng Anh lớp 8.

Tôi tiếp tục lết qua năm lớp 8 với những sự cố gắng nhiều hơn trước. Phần vì tôi nghĩ sắp cấp 3 rồi, thi vào trường nào làng nhàng thì chắc mình ‘đứt cước’, mà không học thì bố mẹ cũng chẳng yên tâm. Tôi cũng cố gắng ở mức vừa phải, và tiếng Anh vẫn được cất xó khá gọn gàng vì tôi không tin lắm vào khả năng của bản thân.

Nhiều lần làm bài tập tiếng Anh ở nhà, tôi toàn có thói quen…trùm chăn. Cũng chẳng phải là rét mướt gì cho cam, mà thực ra là không làm được, nên mở đáp án ra chép cho nhanh. Bố tôi biết thừa tôi chép đáp án, chỉ ho hắng và dặn cố gắng học hành. Tôi vâng dạ cho qua và tiếp tục chép. Kể ra chép đáp án cũng nhanh, đỡ phải nghĩ, học thế sướng hơn nhiều. Có lần cô cho bài tập nhiều tới nỗi mà chỉ riêng việc lật mở chép đáp án thôi cũng khiến tôi mỏi dừ tay.

Nhưng cũng từ lần chép đáp án hì hụi đó, tôi đã phát hiện ra một bí mật với tiếng Anh mà trước giờ không ai nói với tôi, hoặc có thể cô giáo có nói, nhưng tôi không bỏ vào tai. Bí mật này đã khiến con đường học tiếng Anh của tôi chính thức sang trang mới, cộng thêm lực đẩy tưởng như vô tận của thằng bạn thân mà tôi nói ở đầu.

Câu chuyện học tiếng Anh còn tiếp nối li kì hơn ở thời điểm “mặt trời chân lý chói qua tim”, khi tôi nhận ra rằng tiếng Anh cũng bình thường thôi, chẳng có gì là ghê gớm cả.

Mời đón đọc tiếp Phần 3: Ôn thi học sinh giỏi cấp Quận

Lê Quang Minh

Học Tiếng Anh 1-1 cùng Minh: bit.ly/mipecose

Quang Minh

Quang Minh

Thời gian không có nhiều đâu, bây giờ bạn không cố thì bao giờ?

3 comments

  1. Mê cái cách làm việc quyết liệt và cả cách anh viết lách với văn phong đời thường !

  2. hy vọng sẽ biết bí mật này là gì

  3. Em xin phép anh Minh, em mạnh dạn đoán bí mật là ngữ pháp lặp đi lặp lại và từ vựng cũng rứa.

Leave a Reply