Một thầy giáo có tên tuổi đã lên tiếng thừa nhận mình nói dối suốt bao năm qua, đã fake điểm TOEIC và IELTS để thu hút học sinh, kiếm tiền gửi về quê cho ba má. Đọc hết dòng thư thầy viết, tôi nghĩ mình nên có đôi lời.
Trước hết, tôi cảm thấy rất buồn vì một người có thể coi là đồng nghiệp của mình lại rơi vào vòng xoáy tiền bạc mà lúc dứt ra cũng là lúc bản thân thầy gặp khó khăn rất lớn với sức khỏe. Thực ra, con người chẳng ai nắm tay được từ sáng tới tối, hôm nay có thể hoành tráng fake điểm, ngày mai bị nghiệp quật không chừa một milimet nào là hết sức bình thường.
Việc thầy làm sai trái, đó là điều đáng lên án. Không ai cổ súy một sự gian dối, nhất là trong nghề giảng dạy. Nam Cao từng nói, “Sự cẩu thả trong bất kì nghề nào cũng là bất lương”, nhưng tôi nghĩ bối cảnh câu chuyện của anh Hộ và thầy giáo kia khác nhau lắm. Cơ chế thị trường ghì nhiều người xuống sát đất, và đôi khi đây là cái cớ để họ làm sai. Thậm chí, vòng xoáy này khiến họ buộc phải làm sai mà không còn lựa chọn nào khác.
Dù vậy, tôi vẫn thông cảm cho thầy, vì dù ở phút 89 của trận đấu, thầy đã dám nói ra sự thật. Thầy sai, thầy phải xin lỗi, và thầy chấp nhận hoàn tiền cho những bạn có nhu cầu kèm thư xin lỗi. Đó là sự tử tế, không biết ở người khác thế nào, nhưng tôi thấy như vậy là đủ. Có rất nhiều người, mà điển hình là một tượng đài nhiều bạn tôn thờ, đã fake khống cả điểm IELTS lên 8.5, đã năm lần bảy lượt nói dối và dối trá bằng mọi thủ đoạn, đã lấy lí do “tuổi trẻ nông nổi” để bao biện cho tất cả, và cuối cùng, xin lỗi bằng một câu tiếng Anh (?!) và ở phần bình luận. Thật sự tôi không hiểu, giữa hành vi của bạn này và thầy giáo kia, ai mới đáng bị lên án hơn? Bản chất lừa dối là như nhau, nhưng một người thì đối mặt sự thật, một người né tránh và chạy sang nền tảng mạng xã hội khác để tiếp tục cuộc chơi. Thật trớ trêu và nực cười.
Trong một video, tôi từng nói như này: “Nhiều người cứ đăng bài, vô tình được nhiều like, rồi nghĩ mình có thể xoay chuyển vũ trụ, nhất thống thiên hà, rồi rơi vào vòng xoáy mà mãi không thể thoát ra”. Mạng ảo, nhưng tác động của nó lên tâm lý con người là thật. Đã có không ít tấm gương người nổi tiếng “trở cờ” chỉ vì dăm ba cái like ảo trên mạng. Họ tự phong cho mình quyền đè đầu cưỡi cổ người khác, được khoác lên mình tấm áo cà sa nói lời phật pháp, được nói những điều chướng tai gai mắt và nghĩ rằng đó là “tân tiến, hợp thời và đi ngược số đông”.
Pavlov, một nhà sinh vật học nổi tiếng, có thí nghiệm rất nổi tiếng với chú chó của mình như sau: Đến giờ ông sẽ gõ kẻng và cho chó ăn. Sau đấy, dù không cho ăn, nhưng chỉ cần gõ kẻng, dịch vị trong dạ dày của chó vẫn mặc nhiên tiết ra. Thí nghiệm này của Pavlov không khác gì việc bạn được nhiều like và nếu không may thiếu chút, bạn sẽ thấy “thòm thèm” và phải tìm mọi cách “câu like, kéo view” để thỏa mãn cơn thèm. Đó là sự khủng khiếp và cái bẫy bất lương mà mạng xã hội gây ra cho con người.
IELTS hay TOEIC hay bất cứ kì thi nào, mục đích ban đầu chỉ là kiểm tra năng lực ngôn ngữ của con người. Nhưng nhiều người đã cố gắng tô vẽ nó trở thành một con ngáo ộp, thành một tấm lá chắn để ai có nó là bỗng nhiên “bất khả xâm phạm”. Tôi cũng từng khẳng định, việc làm thầy giáo và việc nói gì cũng đúng là hai chuyện nội hàm khác hẳn nhau. Thầy có thể dạy hay, nói giỏi, nhưng chỉ trong phạm vi tiếng Anh mà thôi. Sang thứ tiếng khác hoặc lĩnh vực khác, thầy chỉ là con tép mà thôi. Hãy nhớ cái ao của mình ở đâu, đừng tự đào ao trong tâm hồn những người non dại.
Sự kiện thầy giáo nhận lỗi, hay hàng loạt vụ bóc phốt bằng giả, điểm giả và sự gian dối suốt bao lâu qua của IELTS, suy cho cùng cũng không làm mọi chuyện tốt đẹp lên. Ngay ở trong lĩnh vực được coi là trong sáng nhất của xã hội như giáo dục hoặc y tế, vẫn có rất nhiều con sâu làm rầu nồi canh. Bạn vớt con sâu này ra, thì con khác lại nhảy vào. Thậm chí, có người không phải là sâu, cũng tự hóa thân thành sâu để làm nồi canh thêm rầu.
Đứng trước một sự kiện như này, tôi nghĩ các bạn nên hết sức bình tâm và soi xét mọi người. Hãy lùi lại phía sau một chút để thấy “cô gái của mình rõ hơn”, chứ không phải lao vào tìm câu trả lời giữa lúc nhiễu nhương. Thời buổi giờ vàng thau lẫn lộn, nhiều khi trông xanh mà lại đỏ lòm, trông tưởng chín mà vẫn còn ương. Hãy thong thả, và tập trung vào cuộc chiến của chính mình. Đó mới là câu chuyện đáng bàn nhất mỗi giờ mỗi phút!
Chúc một ngày tốt lành (dù đã tối mất rồi)
Lê Quang Minh