Nhà thiết kế nội thất Thái Công có nói một ý thế này: “Tự do là được làm công việc mình thích, được nghỉ ngơi lúc nào mình muốn và tự quyết hoàn toàn cuộc đời mình”. Tự do, suy cho cùng vẫn ở hai khía cạnh, tinh thần và thể xác.
Tự do thể xác không chỉ đơn giản là khía cạnh bạn không bị giam lỏng, mà sâu xa hơn là việc bạn có thể tự quyết định với cơ thể mình. Muốn béo là béo, muốn gầy là gầy. Có người không nắm được tự do cơ thể, dù về bản chất vẫn là một thực thể sống.
Tự do tinh thần phức tạp hơn, và nhiều ý nghĩa hơn. Muốn tự do tinh thần, bạn phải hiểu được những quy luật chung của cuộc sống và có góc nhìn chuẩn. Không phải cứ dị biệt mới là tốt. Chỉ cần có chất và có hướng đi là được.
Tự do, suy cho cùng là cái đích của ngàn đời. Bác Hồ cũng nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Không chỉ làm chủ đất nước mình sống, cao hơn là làm chủ chính vận mệnh đời mình. Các bạn muốn tự do tài chính? Nghe đa cấp chưa? Các bạn phải học, thế cho nó vuông chằn chặn.
Thực ra khi viết về chủ đề học hành, tôi vẫn luôn muốn nhắc nhở các bạn rằng, cái đích cuối cùng không phải là những tháp ngà học thuật hay bằng IELTS 9.0 đỏ chót dấu son. Nó chỉ là một phần quá nhỏ của cuộc sống. Nếu bạn không chuyển đổi tài năng của mình thành tiền, vàng và kim cương, cuộc đời sẽ dạy cho bạn biết thế nào là ngục tù và thế nào là tự do.
Tiền là khía cạnh nhạy cảm, vì nhiều người nghĩ rằng ông này cứ mở miệng ra là nói tiền. Tôi nghĩ thực tế hơn, tiền là thước đo cho thành công của bạn. Có tiền, bạn nói hào sảng, mạnh mẽ và khoáng đạt. Không có tiền, bạn cứ ru rú một góc, chẳng dám hét lên cho thỏa với đời. Nghèo thường hèn, giàu thường sang, các cụ dạy rồi.
Bạn gái của cầu thủ Tiến Linh nói một câu rất đáng suy ngẫm, đó là “tôi chỉ thích những chàng trai giàu có, vì giàu có là thông minh”. Xã hội trước thì điều này không đúng lắm, nhưng giờ thì chuẩn. Muốn giàu có hơn người khác, bạn phải tài năng hơn. Chưa hẳn là IELTS kịch kim mà là khả năng đọc tình huống, nhìn thị trường và chọn hướng đi thích hợp nhất với khả năng. Đấy là tài năng rồi.
Câu chuyện về những thầy cô giáo làm giả bảng điểm IELTS và kiếm vài chục tỷ, trong khi những giáo viên xịn xò học lồi mắt được 8, 9 chấm tháng kiếm còm cõi 20-30 triệu là minh chứng rõ nhất của nhãn quan kinh tế. Các thầy cô bỏ quá nhiều chất xám cho một tờ giấy A4 giá trị 2 năm, mà quên đi rằng tư duy kinh tế mới là thứ đi suốt cuộc đời. Nếu các thầy cô cũng biết marketing, viết lách thu hút và nói năng trọng điểm, chắc hẳn việc kiếm vài ba tỷ không khó đến vậy.
Trước có một bạn nhắn tin hỏi tôi, anh ơi em làm công việc hiện tại lương tầm 1k đô, nhưng em chán quá, chẳng phải đam mê của em. Tôi nói, em cứ làm đi, nhưng tìm cách x3-x5 lần số tiền hiện có lên, đam mê của em sẽ đến. Không kiếm được ra tiền, ai mà có thời gian đam mê cho nổi. Anh Độ nói rồi, khi anh có tên tuổi, có tiền bạc, anh mới quay trở lại thú vui xếp mô hình ngày bé. Khi có tiền, anh mới có sức mà đam mê. Thiếu tiền, lấy cơm mà nặn mô hình tò he vậy.
Cuộc sống đầy rẫy vấn đề, và sống là chấp nhận giải quyết những khó khăn đấy. Học hành chỉ là một bước nhỏ đưa chúng ta vào đời. Sau đó, câu chuyện còn dài hơn rất rất nhiều. Cho đến lúc đó, ai cố hộ bạn đây? Tự hỏi đã là tự trả lời.
Chúc một ngày tốt lành
Lê Quang Minh