Không biết các bạn có bao giờ thắc mắc giống tôi không, đó là liệu những gia đình có con cái học hành giỏi giang, là do sự cố gắng nhiều hơn của bản thân, hay là do yếu tố di truyền? Nếu là sự cố gắng tự thân, thì rõ ràng chúng ta có cơ hội thay đổi cuộc chơi. Nhưng nếu là do các cụ để lại phúc phần, vậy cố gắng liệu có ích gì?
Tôi có một thói quen là hay hỏi những bạn có thành tích học tập tốt là…bố mẹ các bạn làm nghề gì. Tôi luôn tin rằng, nội lực bản thân là quan trọng, nhưng một phần nhỏ quan trọng không kém, giúp các bạn đi xa và đi nhanh hơn, chính là từ gia đình. Thực ra nói yếu tố di truyền và đổ hết cho gene là không chuẩn lắm, vì gia đình không chỉ có gene, mà còn là yếu tố môi trường.
Tôi ví dụ như này: ngay từ nhỏ, tôi đã được ông bà bô mua sách cho đọc rất nhiều, và tôi vẫn nhớ nhất là hình ảnh ông bô suốt ngày đọc sách báo. Thói quen này được duy trì trong thời gian khá dài, và giờ vì lười nên tôi ít đọc, chứ ngày trước sức đọc cũng gọi là có “số má”. Nếu không được đọc nhiều từ nhỏ và tiếp xúc những thứ liên quan sách vở, chắc chắn tôi sẽ khó mà viết tốt được. Viết là quá trình rất khó vì nó đòi hỏi các bạn phải có nhiều trải nghiệm, kiến thức và gia vị. Viết đơn thuần thì đơn giản, nhưng viết thú vị và ra tiền, nó là câu chuyện hoàn toàn khác.
Hôm qua, tôi có nói chuyện một bạn học viên cũ, cũng là dạng học hành giỏi giang: học lớp tài năng Bách Khoa, ra trường có việc lương cao chót vót, em trai cũng học hành rất ổn. Tôi đặt luôn câu hỏi, bố mẹ em làm gì mà nuôi con giỏi thế. Câu trả lời là bố em làm thợ xây, mẹ em bán vé số. Nhưng các bạn hiểu mà, cuộc đời làm gì có thứ gì đơn giản vậy.
Bố bạn này là “thợ xây”, nhưng còn thiếu chữ “cai” phía trước. Hồi trước bố bạn học hành cũng tốt, nhưng vì hoàn cảnh gia đình mà bỏ dở. Rõ ràng, yếu tố di truyền từ ông bô rất quan trọng, để 2 đứa con về sau có đà tiến rõ rệt hơn những bạn bè cùng trang lứa. Liệu có tình huống nào mà bố mẹ chỉ thuần là nông dân, gia cảnh khó khăn nhưng con cái vẫn học hành tốt được không? Có chứ, nhưng sẽ rất khó khăn. Bố mẹ có thể thông minh, nhưng hoàn cảnh gia đình không cho phép, hay được hiểu là môi trường chưa đủ thuận lợi, việc học hành tốt sẽ gặp nhiều trở ngại.
Mấy ví dụ nhỏ chưa đủ khái quát thành một quy luật, nhưng với cá nhân tôi khi nuôi dạy con nhỏ, tôi luôn tin rằng chỉ có bản thân đủ giỏi, thì con cái mới tiến xa được. Cách dạy con cái là quyết định của bố mẹ, theo phương hướng nào, tây tàu kiểu gì cũng được, nhưng nội lực của gia đình vẫn là quan trọng nhất. Bố mẹ học hành tử tế, có thể kiếm ra tiền cho con những điều kiện tốt, thì việc con học giỏi là điều không quá khó. Và khi nó có cần câu cơm đủ dài thì sự cạnh tranh trong xã hội có khắc nghiệt bao nhiêu cũng không thể làm nó chùn bước.
Tôi biết là trong group này có nhiều bạn vẫn là học sinh, sinh viên, có số khác thì đi làm, có thể lập gia đình hoặc chưa, nhưng chắc chắn các bạn sẽ đối mặt những câu hỏi mà tôi từng gặp trước đây: cho con ăn gì, uống gì, học trường nào, thầy cô nào, học tiếng Anh trước hay sau tiếng Việt… Nếu bản thân các bạn không có kiến thức, thì việc dạy con cũng sẽ rất vất vả. Dù là có nhiều tiền, nhưng kiến thức là thứ phải được rèn luyện qua thời gian, dưới sự giám sát của bố mẹ và sức bật từ tiền bạc. Thiếu thứ nào cũng khiến cuộc đua về đích trở nên gian truân.
Kết bài dài ngoằng bằng câu tôi rất thích, “Bạn chính là xuất phát điểm của con bạn”, nên có thể hiểu đó là cả tư duy, kiến thức lẫn tiền bạc, của cải. Xã hội ngày càng áp lực, bạn nào ở những thành phố lớn sẽ hiểu rõ hơn những gì tôi viết, và trang bị cho con cái nền tảng đủ tốt, trước hết phải bắt đầu từ chính mình. Bây giờ không học, không cố gắng, sau này lấy gì cho con cái cạnh tranh với đời?
Chúc một ngày tốt lành
Lê Quang Minh