Đặc điểm chung những vận động viên chuyên nghiệp, những tỉ phú lắm tiền hoặc những người học giỏi xuất sắc là gì? Đó là ngưỡng chấp nhận sự chán nản của họ ở mức không tưởng. Hầu hết mọi người luôn đồ rằng, với 3 lớp người tôi kể ở trên, chắc hẳn họ thấy mọi việc vui vẻ và sung sướng lắm. Nhưng kì thực, cái giá của thành công đắt hơn rất nhiều cái mác mà bạn đang dán lên người họ.
Nếu bạn biết Christiano Ronaldo ngày nào cũng luyện tập như trâu, luôn đến sớm nhất tập sút bóng và ra về khi trời tối mịt, bạn sẽ nghĩ lại về “niềm vui chơi bóng”. Ngay cả khi dính Covid-19, anh này vẫn cùng bạn gái tập luyện tại nhà. Khabib, anh trai tôi yêu mến, nói một câu đầy ám ảnh: “Thứ tôi nhìn thấy nhiều nhất trong hơn 17 năm qua là thảm tập”. Mở mắt ra là nhìn thấy thảm tập, lăn lề bò toài mệt nhoài vẫn phải tập. Tháng lễ Ramadan nhịn ăn từ tờ mờ sáng đói run cả tay, vẫn phải tập. Không chăm chỉ và khổ luyện, liệu có ngày Ronaldo và Khabib – 2 tượng đài ở hai môn thể thao khốc liệt hàng đầu thế giới – chụp ảnh cùng nhau hay không?
Thành công của những người xuất chúng hay được làm đơn giản hóa theo chủ nghĩa tối giản đang mốt hiện thời, đó là do họ gặp may, do họ có bệ đỡ, do họ giỏi sẵn. Mùa xuân đấy có tồn tại, nhưng những chú én cũng phải chao liệng mỏi cả người mới có ngày xuân đưa thoi, hỡi các bạn ơi. Mà tập luyện, học hành hay khổ luyện, đúng tính chất là khổ. Khổ cực kì khổ. Khổ tận cam lai vẫn chưa thấy ngày “thái lai” đâu, mà cơn bĩ cực thì dài như vô tận.
Tựu chung lại những người thành công, họ đều có khả năng chấp nhận sự chán nản bủa vây mỗi ngày. Không có ai ngày quần quật học hành 10 tiếng, não căng như dây đàn, lại cảm thấy vui vẻ cả. Không có ai ngày sút cả trăm cú, chạy 10 cây, rồi ăn uống kiêng khem khổ sở, mà vẫn cảm thấy vui như Tết. Không một ai cả. Ai cũng thấy chán ngấy tận cổ, như bạn và tôi ngày đêm phải học thôi. Chỉ khác một điều, đó là họ chấp nhận sự chán nản đó. Họ xem đó là điều bình thường, và ai cũng phải trải qua. Nhưng số người chấp nhận nó thì rất ít.
Nhiều trung tâm tiếng Anh hiện nay đánh vào tâm lý “sợ chán” của người học, nên cứ học là phải chơi trò chơi. Học 2 tiếng chơi 30 phút đầu giờ, 30 phút cuối giờ, 1 tiếng còn lại giảng bài. Không bàn về hiệu quả của cách làm này, nhưng với người học, họ cảm thấy rất yên tâm, vì “vừa học vừa chơi”. Nhưng cá nhân tôi thấy rằng, nếu học mà cứ vui như đi chơi, thì chắc chắn không ai giỏi được cả. Chỉ lẹt đẹt thì được, chứ mong mỏi những điều lớn lao, xem chừng là bất khả.
Trong cuộc sống, đôi lúc bạn đánh giá hơi thấp khả năng chịu chán của mình, vì nghĩ rằng làm sao mà bền bỉ thế được. Nhưng bạn hơi nhầm. Ai cũng có năng lực chịu chán rất cao, chẳng qua bạn quen sướng rồi, giờ khổ tí hơi khó sống mà thôi. Qua 1 tháng chán liên tục, đảm bảo lúc đó bạn còn “nghiện chán”, vì tự nhiên cái chán vậy còn vượt qua, huống hồ là cái sướng?
Nếu bạn cần một phương pháp học vui vẻ, nhàn nhã mà vẫn hiệu quả, tôi chỉ ngay cho bạn cách xem phim. Cứ mỗi ngày xem 2-3 bộ, tốn chừng 5-6 tiếng, đổi lại 6 tiếng cực vui là sự tiến bộ rất chậm trong việc học. Nhưng vui mà, mong cầu gì hơn? Nếu muốn học giỏi, thì 6 tiếng ngồi đọc bài, học từ mới, tra từ điển đi các bạn. Hữu ích gấp vạn lần những lời khuyên xem phim để giỏi ngoài kia.
Dĩ nhiên tôi biết rằng, số người chịu chán sẽ không vì tôi nói một câu mà thay đổi. Những ai chăm vẫn chăm, và ai lười thì vẫn vậy. Số mệnh rồi, chúng ta sao thay đổi được đây?
Chúc một ngày tốt lành
Lê Quang Minh