Bền chí mỗi ngày

Spread the love

Gần nhà có ông hàng xóm, cứ 4h là ngủ dậy, tập trong nhà 30 phút cho quen thời tiết xong 4h30 ra khỏi nhà, tập thể dục tầm 2 tiếng rồi về. Đều như vắt chanh, liên tục hơn 15 năm từ lúc nghỉ hưu. Sức khoẻ ông này rất tốt, chưa bao giờ thấy kêu ca đau yếu gì. Có lần tôi hỏi, bác ơi trời mưa rét thế sao bác không nghỉ 1 bữa, ông này bảo: “Nghỉ 1 lần là mai lười, không dậy được. Thôi thì cứ dậy đều cho xong”.

Ơ, đơn giản nhỉ. Rõ ràng ý chí bền bỉ nó cũng chẳng có gì phức tạp, chỉ là sự lặp đi lặp lại một việc cần thiết mỗi ngày. Bạn muốn giỏi tiếng Anh? Ô kê quá đơn giản ngày chỉ cần học từ mới 50 từ, ôn lại 30 phút, đọc 30 trang báo, nghe 20 phút, viết 200 từ. Liên tục, bền bỉ trong 1 năm, không giỏi mới là lạ. Nhưng, vấn đề là có ai làm đâu? Vì lười đó mà.

Phương pháp học tiếng Anh có tốt như thế nào, thầy giáo có tốt ra sao mà bạn không cố gắng thì cũng chịu. Đến bố của thầy cũng chịu luôn chứ nói gì tới thầy. Mỗi việc đơn giản như học từ mới, ôn lại thường xuyên cũng chẳng làm được, thì mong đợi gì tới những số chấm cao xa viễn vọng? Chúng ta hay hô hào khẩu hiệu, “quyết tâm quyết tâm xoá nạn dốt nát”, nhưng được vài hôm lại ngủ khì, rồi viện lí do lí trấu. Tuổi trẻ không dài, thậm chí là ngắn, nên thôi ông bà nào không học thì cũng đành chịu. Đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại?

Tôi lại có thằng bạn khác, dân marketing tay ngang. Đúng nghĩa nó chẳng có một tí kiến thức nào về marketing, nhưng nó có 1 chỉ số cao hơn rất nhiều IQ, đó là CQ – chỉ số tò mò. Mỗi ngày nó dành 4 tiếng đọc tài liệu, từ Anh sang Việt, dù chẳng biết 1 chữ tiếng Anh nào. Nó cứ dán vào Gu gồ dịch, xong đọc hiểu từng từ, từng từ một tới khi nào sáng tỏ thì thôi. Có lần tôi hỏi, mày cũng giỏi nhỉ, nói cái gì cũng biết, case study nào cũng hay, nó nói: “Thế mày nghĩ tự nhiên được thế à? 4,5 năm nay, ngày nào tao chả tự học vài tiếng buổi tối? Chả có cái *** gì là dễ dàng cả, ok?”. Trích nguyên văn thế cho thấy độ sống sượng của sự cố gắng là như thế nào.

Nhà khoa học Nguyễn Lân Dũng, một trong những người quá nổi tiếng ở Việt Nam về sinh học và vi sinh, khi được giao giảng dạy bộ môn vi sinh ở đại học Tổng hợp, đã đứng trước một lựa chọn không thể khó nhằn hơn. Ông không có chuyên môn, chỉ là anh sinh viên vừa tốt nghiệp, sao dạy được sinh viên năm nhất? Thế là ông lôi 2 quyển sách giáo khoa của Trung Quốc và Nga về, ngồi dịch bằng hết để hiểu. Ông Dũng không biết 1 chữ tiếng Hoa hay tiếng Nga, nhưng ông cứ dịch thôi. Mà dịch khoa học thì khó gấp vạn lần đọc mấy cái bài IELTS vớ vẩn. Và ông vẫn thành công. Đơn giản, vì ông Dũng không đổ lỗi và không viện lí do khoẻ như các cháu bây giờ.

Giờ là những ngày cuối tháng 11 năm 2023, thời gian đúng như một con chó săn, chạy nhanh cực kì. Thoắt cái mùa xuân trước mặt mà vù cái đã thấy ở tít sau con chó kia rồi. Rồi lại Tết dương, Tết âm, rồi lại ăn chơi bạt mạng, rồi tháng Giêng, tháng Hai xoã tung giời. Bài vở chẳng thấy đâu, học hành bết bát, lười biếng và dốt nát. Vòng xoáy tội lỗi cứ mãi miên man, rồi lại đọc được mấy bài hô khẩu hiệu kiểu như này, lại quyết tâm, lại không làm, rồi mùa xuân lại về trên bản làng…

Lê Quang Minh

Học Tiếng Anh 1-1 cùng Minh: bit.ly/mipecose

Quang Minh

Quang Minh

Thời gian không có nhiều đâu, bây giờ bạn không cố thì bao giờ?

Leave a Reply