SAU IELTS LÀ GÌ?

Spread the love
Click để nghe

Một tác giả chuyên viết sách IELTS có nói một câu thế này trong phần lời dẫn của mình: “In writing it, I had one clear aim: to help candidates make genuine progress in writing to that they can get the band 7+ score they need, and FINALLY LEAVE IELTS BEHIND”. Đại ý rằng bà này muốn kết thúc quá trình học IELTS của các học viên càng sớm càng tốt, để cuối cùng họ có thể bỏ IELTS lại sau lưng. Với nhiều người, IELTS là sự kết thúc khi đủ số chấm. Với thế giới, IELTS mới chỉ là sự khởi đầu.

Cái đích ở đâu?

IELTS là một chặng đường rất dài, vì nó đo khả năng thành thạo của bạn với 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Sau khi vươn tới mức điểm bạn cần, chẳng hạn 6.5 để đi du học, câu hỏi tiếp theo là bạn sẽ làm gì với tấm bằng này. IELTS không phải chìa khóa vạn năng, sở hữu nó là bạn yên tâm kê cao gối ngủ và ngáy o o. Trái lại, nhiều lúc nó còn khiến bạn mất ngủ triền miên.

Bạn bỏ rất nhiều tiền ra học IELTS, thời gian cũng lên tới vài ba trăm tiếng, nhưng khi đi du học, mọi thứ không như bạn nghĩ. Thầy cô nói tiếng Anh bạn không hiểu, đọc quyển sách dày cộp vài trăm trang chỉ giúp chứng mất ngủ kinh niên của bạn biến mất, và nỗi thất vọng cứ ngày một dày thêm. Giao tiếp ngoài đời khác xa với IELTS, nói chuyện càng khác biệt. Sao trước giờ các trung tâm, thầy cô hay nói, có IELTS là có tất cả, không có IELTS là không có gì. Vậy sao giờ có rồi, mà cuộc đời vẫn chỉ toàn những nốt nhạc trầm không hồi kết?

Cầm tấm bằng IELTS trong tay, bạn hăm hở đi xin việc, nghĩ rằng mức lương ngàn đô chỉ còn cách mình 20 xăng-ti-mét. Bạn đi phỏng vấn, nói rõ to mức lương kì vọng và cứ thế sau 3 tháng, điện thoại bạn không một email hay cú điện thoại nào đổ chuông. Bạn không được nhận vào làm, thất nghiệp triền miên và xoáy vào trong đầu là những câu hỏi sắc lẹm: tại sao có IELTS mà chẳng công ty nào trả mình ngàn đô? Hay là bằng IELTS này là đồ dỏm, không ai coi trọng? Hay xã hội đảo ngược hết rồi? Tại sao và tại sao, chẳng ai biết nữa, chỉ có Ưng Hoàng Phúc mới trả lời được bạn mà thôi.

Cho tới lúc bạn hiểu được giá trị đích thực của tấm bằng IELTS cầm được trên tay và thị trường thực sự cần gì, bạn mới có thể dùng và kiếm tiền từ nó. IELTS, chưa bao giờ và vĩnh viễn không bao giờ là tấm vé thông hành giúp bạn đi qua mọi cách cửa. Nó chỉ là vé gửi xe, là cần câu cá. Việc bạn gửi xe, vào bãi câu cá và đi ra với bao nhiêu con trắm đen trên tay, nó phụ thuộc năng lực của bạn.

Thế nào là đủ?

Nữ tác giả quyển sách nói rằng hãy “để IELTS lại sau lưng”, vì thực sự bà hiểu rằng với một người bản xứ như bà, trình độ thừa mứa để dạy bất kì ai, thì kĩ năng duy nhất của bà cũng chỉ là dạy và viết sách. Bà không thể lập trình, làm bánh hay chém gió như các diễn giả được. Chuyên môn của bà là viết và dạy học, nên cách duy nhất để có “cá trắm đen” chính là phải lao động quần quật mỗi ngày, chứ đâu thế gán mác “tôi là người bản xứ, các bạn cho tôi tiền nhé”. Chuyên môn chính là thứ cần bàn trong thế giới phức tạp này.

Nhiều sinh viên, và thậm chí cả phụ huynh, luôn nghĩ rằng có tấm bằng IELTS là coi như xong, đời mình tự do hạnh phúc. Nhưng mọi người quên mất một vế rất quan trọng mà Bác đã nói, đó là phải “độc lập”. Chỉ có “độc lập” thì mới dám thốt lên câu “Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi” như cụ Chế Lan Viên được. Không “độc lập”, tức là thiếu đi kiến thức chuyên môn để dựa dẫm, là kĩ năng mềm cần thiết như tin học, thuyết trình, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, xử lý các mối quan hệ, thì cuối cùng IELTS là tấm bằng treo tủ kính cho đẹp mà thôi.

Xã hội ngày nay cho con người quá nhiều cơ hội học hành, đặc biệt là tiếng Anh. Trước đây, ai đi du học thì mới biết Tây nói như nào, ăn ở ra sao, còn giờ với Youtube, Coursera, Udemy, việc học dễ như trở bàn tay. Chính vì trở bàn tay nhiều quá lại sinh ra thói quen vuốt ngang vuốt dọc, thành ra sa đà vào Facebook, Instagram thay vì ghi chép từ mới. Cái dễ dàng và thuận tiện của công nghệ, cũng là điểm yếu cốt tử khiến số người học kém tiếng Anh vẫn ở mức báo động.

Trước đây muốn mua quyển sách nguyên bản cũng khó, tạp chí thì hầu như chỉ ai làm khách sạn mới dấm dúi mang về cho con vài quyển đọc, thì giờ báo chí đầy rẫy, báo mạng bạt ngàn, podcast radio phát ra rả căng hơn cả loa phường đường Láng. Vì quá nhiều thông tin, kiến thức và sách vở, nên người học cảm giác đờ đẫn con người khi cần phải phán đoán cái gì đúng, cái gì sai.

Ai cũng nghĩ phải IELTS 8-9 chấm mới có nhiều tiền, ai cũng nghĩ chỉ cần nói được tiếng Anh thôi đã là đặc quyền của người “đẳng cấp”. Nhưng tiếc là ngày đấy còn xa lắm, vì ngoài xã hội kia có hàng ngàn, trăm ngàn giám đốc một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết, nhưng họ lại thuê các nhân viên dưới trướng ngoại ngữ bắn ầm ầm. Nhân viên hét ra lửa bằng tiếng Anh, nhưng xử lý công việc, giải quyết vấn đề, tìm lối ra lúc gặp khó khăn thì không khác gì một cậu bé ngây thơ ngày đêm tập đánh vần bảng chữ cái ABC. Năng lực và khoảng cách giữa tiếng Anh và các kĩ năng mềm khác nhau quá lớn, cộng thêm sự ảo giác “có tiếng Anh là có tất”, đã khiến nhiều người tưởng bở và mãi chưa thoát khỏi khu rừng mơ mà mình vẽ ra.

Lối đi nào cho chúng ta?

Ưng Hoàng Phúc đã nói rất rõ, đó là “Hãy nói một lời nói xong rồi hãy đi – Người hỡi cho anh một lý do”. Hãy có một lí do để ra đi, dù đó là với tình yêu hay với tiếng Anh, trước khi kết thúc mọi thứ. Nếu bạn chưa biết mình cần học IELTS để làm gì, thì tốt nhất không nên học. Tiếng Anh chỉ là công cụ cho bạn tìm hiểu và khám phá những chân trời mới, bổ sung kiến thức và kĩ năng, chứ không phải cây đũa thần để bạn chạm vào đâu cũng là vàng.

Hồi mới học tiếng Anh, tôi đã viết sẵn một câu khẩu quyết lên bàn học: “Phải đọc sách báo tiếng Anh như tiếng Việt”. Hồi đấy tôi chỉ nghĩ đơn giản sau này chẳng may phải đi du học, thì ít nhất cũng đọc được sách, báo tiếng Anh còn thi qua môn mà lên lớp. Chứ nếu đọc chưa xong, nghe chưa hiểu thì sao du học gì, du lịch thì đúng hơn.

Nghĩ sao làm vậy, tôi cứ cắm mặt vào đọc sách báo, học từ mới và ôn luyện mỗi ngày. Chẳng có kì vọng mấy chấm IELTS, cứ học như một miếng bọt biển, thả xuống đâu là hút cạn sạch nước ở đó. Tôi chỉ thấy niềm vui khi đọc được một bài khó mà mình hiểu hết, hoặc nghe một phim tài liệu mà không phải nghĩ xem “bao giờ thì hết phim”. Cảm giác mình hiểu mọi thứ, nghe được mọi điều Tây nói, nó sướng! Chính bởi kì vọng nhẹ nhàng nhưng sự cố gắng là có thật, tôi đã dần chinh phục tiếng Anh dù trước đây, tôi thậm ghét bộ môn này. Hồi lớp 5 tôi từng suýt đấm một đứa vì nó bảo “tiếng Anh dễ ợt”, trong khi với tôi lúc đó, tiếng Anh chỉ là sự ngớ ngẩn về cách đọc và rối rắm và ngữ pháp.

Cuộc tình nào rồi cũng đến lúc tàn, hoặc sang trang mới. Nếu yêu xong thì hai người thương sẽ kết hôn, và chặng đường mới mở ra. Nhiều người nghĩ rằng yêu xong lấy nhau là hết, nhưng đấy mới chỉ là một nửa cái bánh mỳ. Chiếc bánh mỳ còn lại là sự cố gắng, quan tâm trong cả chặng đường dài về sau. Nhiều người lấy nhau thất vọng và đường tình đôi ngả, chính bởi không hiểu đâu là sự khởi đầu, đâu là điểm kết thúc. Với tiếng Anh cũng vậy, việc nắm vững ngoại ngữ chỉ là sự khởi đầu mới mẻ, chứ không kết thúc được luôn chặng đường về sau.

Kết bài viết siêu dài bằng câu nói tôi rất thích của Lão Tử, đó là “ngàn dặm đường đi, khởi đầu từ một bước chân”. Tôi luôn tin rằng, tiếng Anh hay tiếng Lào, suy cho cùng chỉ cần bạn chăm chỉ và chịu khó dành thời gian mỗi ngày, sẽ tới lúc bạn sẽ đạt được mục tiêu mình cần. “Sau tất cả, mình lại trở về với nhau”…

Lê Quang Minh

Quang Minh

Quang Minh

Thời gian không có nhiều đâu, bây giờ bạn không cố thì bao giờ?

6 comments

  1. Cảm ơn anh vì bài viết bổ ích.

  2. Bài viết thật hài hước và thấm. Cảm ơn anh.^^

  3. Có liên hệ với đường Láng và Lão Tử là đích thị bài của Anh Minh :))) , vài bữa học Anh dạy e cách lên điểm Toeic nha Anh!

  4. Em ấn tượng nhất đoạn này. Anh đã đánh trúng nỗi đau của em, rất đau. “Nhân viên hét ra lửa bằng tiếng Anh, nhưng xử lý công việc, giải quyết vấn đề, tìm lối ra lúc gặp khó khăn thì không khác gì một cậu bé ngây thơ ngày đêm tập đánh vần bảng chữ cái ABC.”
    Em đã và đang học tiếng Anh từ cấp 2 nhưng mãi đến bây giờ mới nhận ra rằng, khả năng nói ngoại ngữ của mình chính là khả năng nói tiếng Việt. Giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ mà còn lạt nhách thì không thể nào mặn mòi bằng ngôn ngữ khác được.
    Hình như anh có suất học bổng luyện viết tiếng Việt?

  5. Cảm ơn anh vì bài viết

    “Nếu bạn chưa biết mình cần học IELTS để làm gì, thì tốt nhất không nên học. Tiếng Anh chỉ là công cụ cho bạn tìm hiểu và khám phá những chân trời mới, bổ sung kiến thức và kĩ năng, chứ không phải cây đũa thần để bạn chạm vào đâu cũng là vàng”

    Khi đến với Tiếng anh em cũng không nghĩ là phải được mấy chấm IELTS, Em chỉ thấy nó là một ngôn ngữ vì vậy mục tiêu là nghe nói đọc viết tốt . Khi TA đã tốt rồi em có thể học thêm các chứng chỉ chuyên ngành quốc tế được dễ dàng hơn.

    Cảm giác các bạn cùng nghề với mình nói chuyện mà mình k thể hiểu được, mình chưa được làm những điều mà người khác được làm nó thật sự khó chịu.

    Phải có đủ lượng thì mới có bước nhảy vọt về chất. Phải cố thôi, từng ngày từng giờ, không viện lí do….TA sẽ là chặng đường đầu tiên.

  6. Quá hay! Cảm ơn bài viết của a! Chúc a sức khoẻ và niềm vui mỗi ngày!

Leave a Reply