Nhiều người hay nói, làm gì cũng phải có đam mê mới làm được tốt. Nhưng vấn đề là hầu hết mọi thứ làm gì có động lực cho chúng ta làm đâu? Cái vui thì không hữu ích, cái có ích thì không vui.
Khabib, một người anh và là vận động viên UFC top 1 thế giới, nói thế này:”Kỉ luật và sự rèn luyện cực khổ là cách duy nhất để bạn không dễ bị người khác vượt qua. Càng khó càng ít cơ hội cho người khác soán ngôi”. Cũng chính vì quan điểm nhất quán này, anh tôi chưa bao giờ thua trong 29 trận ra quân. Nhắc lại, 29 trận toàn thắng, không thua, bất bại, ò ó o!
Cá nhân tôi cũng luôn cố gắng duy trì kỉ luật của bản thân, từ việc nhỏ như dậy sớm 5h sáng hay ngày đi bộ 5000 bước chân hoặc chạy 10000 bước. Những việc nhỏ và dễ còn không làm được, nói gì tới mơ ước cao xa?
Khi dạy học, điều tôi khó chịu nhất không phải là sự chậm chạp khi tiếp thu kiến thức của học viên, mà chính là kỉ luật rất hời hợt. Học hành đối phó, thái độ không cầu thị, và điều duy nhất các bạn thu về chỉ là sự lãng phí thời gian và tương lai của mình, mà thôi.
Kỉ luật thép là điều tưởng dễ, nhưng bắt tay vào thực hiện mới hiểu nó khó nhằn như thế nào. Cả tuần dậy sớm được 1 2 bữa thì dễ, nhưng 10 năm dậy sớm liên tục thì cực kì khoai. 1 2 ngày học chăm thì dễ, nhưng 1 năm học chăm chỉ và đều đặn thì khó cực kì. Hứa với thầy em sẽ chăm chỉ thì dễ, nhưng thực hiện lời hứa thì là điều không khả thi.
Những người hời hợt lại rất thích được thành công, được mọi người chú ý. Điều cần là bắt tay vào làm, âm thầm và bền bỉ thì không ai chịu. Thích bắn tiếng Anh như gió nhưng bảo luyện tập mỗi ngày thì không. Muốn đọc truyện ngôn tình Anh ngữ nhoay nhoáy, nhưng học từ mới thì không. Những người này cái gì cũng biết, chỉ có biết làm thì không.
Cuộc sống cơ bản là sự tự do, nhưng nếu không có kỉ luật và khuôn khổ, chỉ tầm 1 năm thôi, bạn sẽ chệch hướng khỏi đường ray đã định. Mà một khi đã sai hướng rồi thì kiếp này coi như bỏ. Không như Mario, làm gì có chuyện chơi lại các bạn ơi?
Thôi, kệ đi.
Lê Quang Minh