Để thành nhà giáo

Spread the love

Hôm qua livestream, tôi có nhận được thắc mắc của một bạn về việc muốn chuyển hướng sang làm giáo viên tiếng Anh. Dù bạn đã học ngành ngôn ngữ Anh, tốt nghiệp loại xuất sắc nhưng không theo nghề dạy. Sau 4 năm, nhìn thấy bạn bè mình đi được những bước dài trong sự nghiệp và lương thưởng, trong khi mình vẫn lẹt đẹt, bạn tự nhiên thấy hơi chạnh lòng.

Thực tế là câu hỏi về việc làm gì để đi dạy tiếng Anh tôi đã nhận được rất nhiều, và trong suy nghĩ của nhiều người, việc đi dạy tiếng Anh là một thứ gì đó rất “sang chảnh” và “giàu có”. Câu trả lời cho suy nghĩ này là “đúng”, vì nếu bạn dạy tốt và biết cách quảng bá thì tiền bạn không bao giờ phải nghĩ. Để giàu có tới mức không phải lo lắng khi tiêu tiền thì không, nhưng cuộc sống của bạn sẽ nằm ở mức tốt và dư dả, hay còn gọi là “có của ăn của để”.

Nhưng dĩ nhiên hình ảnh mĩ miều thì đi kèm cạnh tranh lớn. Các bạn cứ đi ngoài đường mấy phút, chắc chắn sẽ bắt gặp không ít trung tâm tiếng Anh mọc lên khắp nơi. Có trung tâm nổi tiếng bạn biết, có trung tâm lần đầu bạn thấy tên. Lượn một vòng mạng xã hội, bạn sẽ bắt gặp bạt ngàn thầy cô dạy tiếng Anh. Nhưng sự thật mà ít người nói cho bạn biết, đó là chỉ có một số ít các trung tâm hay thầy cô là thực sự kiếm được tiền, còn lại thì đều chỉ ở mức bình thường, thậm chí là vất vả. Tiếng Anh tốt chưa đồng nghĩa với việc bạn sẽ dạy tốt và kiếm được tiền nhiều, hãy nghĩ kĩ về điều này.

Tất nhiên nói vậy không phải là phủ nhận vai trò của người dạy, rằng chỉ cần khéo quảng cáo và chém gió là xong, nhưng các bạn hãy nhớ rằng thầy cô giáo giỏi về mặt chuyên môn chỉ là một phần của câu chuyện. Xã hội hiện đại giờ không còn việc độc quyền về giảng dạy nữa, vì mọi tài liệu bạn nghĩ rằng chỉ mình mới có thì ngày hôm sau đã bị chia sẻ tràn lan. Mọi giáo trình đều bán đầy rẫy khắp nơi, chỉ là bạn sử dụng và khai thác, rồi áp dụng cho học viên của mình như thế nào.

Đứng ở góc độ một người học chuyên ngành tiếng Trung phiên dịch nhưng giờ lại kiếm tiền bằng việc đi dạy tiếng Anh, tôi chỉ có mấy lời khuyên nhỏ với những bạn có ý định theo nghiệp giảng dạy. Ít nhất đối với tôi nó đang phát huy hiệu quả tốt và hy vọng các bạn sẽ thấy hữu ích để thay đổi trong quá trình dạy học của mình. “Dưới ánh mắt trời, không nghề gì cao quý hơn nghề dạy học”, nhà giáo dục học lừng lẫy Komensky từng nói như vậy.

Đầu tiên, các bạn hãy có một chuyên môn thật vững. Dù có tài liệu ngập tràn nhưng nếu chuyên môn các bạn không tốt, thì vĩnh viễn các bạn sẽ không thể giúp cho người học tiến bộ được. Vì sao? Đến bản thân các bạn còn đang gà vịt, thì làm sao giúp người khác tiến lên? Hãy học và trau dồi bản thân, vì chỉ có nội lực tốt, các bạn mới tạo ra được điều thần kỳ. Học dốt mà muốn giúp người khác, nó gọi là sự bất lực các bạn ạ. Nhiều người nghĩ tôi học tiếng Tàu thì trình tiếng Anh cũng bình thường. Đấy là các bạn nghĩ thế thôi, chứ thực sự trước khi làm nghề dạy, tôi đã tham gia dịch đủ kiểu trên trời dưới đất rồi, từ sách vở, tài liệu, luận văn tiến sĩ tới dịch đuổi hay cabin. Không có nội lực thì tôi lấy gì mà chia sẻ với các bạn?

Thứ hai, hãy luôn thấu hiểu học trò. Thời đại của trí tuệ nhân tạo lên ngôi, hằng hà sa số các công cụ mới mẻ sinh ra mỗi ngày, nhưng không một máy móc nào có thể hiểu được con người bằng chính con người. Thầy cô giáo, trước khi muốn học trò vượt qua những vũng lầy trong suy nghĩ, thì hãy hiểu học trò của mình muốn gì và cần gì. Chịu khó nói chuyện, chia sẻ, đôi khi là dọa dẫm, to tiếng có chủ đích, học trò sẽ hiểu được họ nên làm gì. Nắm bắt tâm lý trong mọi ngành nghề đều quan trọng và mang lại kết quả tốt, nhưng với dạy học thì nó còn đặc biệt cần thiết. Dạy học là dạy kiến thức và dạy cả con người, nên việc bạn hiểu tâm lý học trò và đưa ra những lời khuyên phù hợp, chia sẻ đúng đắn, hiệu quả dạy học mới thực sự cao.

Thứ ba, hãy để cho người khác biết thành quả của bạn. Đừng nghĩ rằng “hữu xạ tự nhiên hương”. Giờ Chanel No.5 cũng phải quảng cáo ầm ầm, Gucci cũng phải nhờ Sơn Tùng lên sóng, thì các bạn đã là ai mà nghĩ chỉ cần mình có hương thì người khác tự biết? Hãy nói cho mọi người biết mình làm gì, dạy ai, đối tượng nào, có kết quả tốt ra sao. Làm được mà không nói được, đấy là dại. Nói được mà không làm được, đấy là bốc phét. Vừa làm được vừa nói được, người ta gọi là trang tuấn kiệt. Chỉ có kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt thôi các bạn ơi.

Đôi dòng chia sẻ ngắn, hy vọng các bạn biết mình nên và không nên làm gì. Hãy nuôi dưỡng tình yêu dạy học, vì bạn sẽ sớm gặt hái được quả ngọt thôi.

Chúc một ngày tốt lành,

Lê Quang Minh

Học Tiếng Anh 1-1 cùng Minh: bit.ly/mipecose

Quang Minh

Quang Minh

Thời gian không có nhiều đâu, bây giờ bạn không cố thì bao giờ?

Leave a Reply