Năm 1922, bác sĩ tâm thần học Carl Jung chọn một ngôi làng nhỏ tên là Bollingen ở bang St.Gallen, Thụy Sĩ và dựng lên một căn nhà bằng đá. Đây là nơi ông thường xuyên lui về ở ẩn. Ông nói: “Trong căn phòng này, tôi là chính mình. Tôi luôn mang theo chìa khóa và không ai được vào mà chưa được phép”.
Khi J.K Rowling viết quyển “Bảo bối tử thần”, bà thuê một phòng khách sạn 5 sao hơn 1k đô/ngày tại trung tâm thành phố Edinburgh để viết. Chính việc thay đổi hoàn cảnh viết lách và số tiền rất lớn chi ra nên bà đã dồn sức viết thành công tập cuối cùng của Harry Potter.
Hai ví dụ trên đây tôi trích dẫn từ một quyển sách đã đọc và nghiệm ra rằng, đôi khi sự quá dễ dàng tiếp cận thông tin và Internet như hiện nay, lại là một trở ngại. Nó gây cản trở dòng suy nghĩ liền mạch và tạo ra những thế hệ thích lướt mạng hơn là chiêm nghiệm, suy ngẫm và học hỏi.
Việc học hành từ xưa tới nay vẫn nằm ở bản chất là tự bạn đối mặt con chữ. Thông qua hàng giờ đồng hồ luyện tập, suy nghĩ và vắt kiệt từng neuron thần kinh, bạn sẽ tăng cường tư duy và hiểu thấu vấn đề. Từ đó, bạn sẽ tiến bộ và giỏi lên.
Không có người nào học hành tử tế lại vừa học, vừa lướt mạng, vừa kiểm tra tin nhắn và nghe nhạc cả. Sự tập trung có giới hạn, và năng lượng trong ngày càng có giới hạn. Mải mê theo đuổi drama, đọc tin nhảm nhí hoặc đi cà phê suốt ngày, bạn lấy đâu ra năng lượng mà làm việc?
Hôm trước có nhiều bạn đưa ra luận điểm rằng, trẻ con bây giờ học hành nhàn, vì có internet, thích tra cứu gì cũng được, hỏi han thông tin cũng dễ dàng. Nhưng bạn đã nghĩ tới việc cách đây 200 năm, khi con người chưa có điện và không có cả internet, nhưng xã hội vẫn tiến lên ầm ầm hay chưa? Đơn giản hơn là 50 năm trước, Internet chưa tồn tại và các phát minh vẫn ra đời đấy thôi. Việc quá lệ thuộc vào Internet, khiến tư duy phản biện và logic của chúng ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Khi bắt tay học hành, thay vì đặt câu hỏi nên làm như thế nào hoặc tham vấn ý kiến bạn bè, chúng ta hay có thói quen lên mạng. Sau vài dòng gõ từ khóa không ra phương án, bạn sẽ chuyển qua lướt mạng. Thói quen này nguy hiểm vô cùng và nó đang bòn rút không biết bao nhiêu sức lực của bạn.
1 tuần trở lại đây, tôi thực hiện một việc đơn giản này trong ngày: tắt mạng wifi khi làm việc. Một hành động cực kì đơn giản nhưng giúp tôi tập trung làm việc và đẩy hiệu suất lên rất cao. Lí do vì có ai nhắn tin đâu, email cũng chẳng ting ting được, nên não cứ tập trung vào một việc duy nhất. Đợt này tôi đang hệ thống lại từ đầu kiến thức bản thân, vì thấy nó còn quá nhiều lỗ hổng. Nếu cứ vừa đọc, vừa ghi chép và sử dụng máy tính, chắc tôi phải mất 200 năm mới hệ thống xong.
Thôi, nói chung vẫn là những dòng viết lan man, tôi hy vọng các bạn hiểu phần nào ý định của tôi. Hãy cố gắng học hành tử tế, vì ít nhất, bạn cũng phải có một cuộc sống tử tế cái đã!
Lê Quang Minh
Học tiếng Anh 1-1 cùng Minh:
Cảm ơn bài viết bổ ích của anh
Cảm ơn những chia sẻ bổ ích của anh! Chúc anh một ngày làm việc hiệu quả~